Nền tảng di động hiện nay bao gồm 2 hệ điều hành phổ biến là Android và iOS. Bài viết này chia sẻ những cách thức giúp bạn bảo mật điện thoại Android của mình.
Vì sao chúng ta nên bảo mật điện thoại Android của mình?
- Thứ nhất, đây là nền tảng di động phổ biến nhất toàn cầu. Tính đến quý I/2018 có đến 85.9% điện thoại trên thế giới chạy trên nền tảng Android (số liệu từ The Statista Portal). Ngoài ra, Android rất phổ biến, có trên tất cả các dòng sản phẩm từ bình dân cho đến cao cấp. Số người dùng Android càng nhiều, hacker càng hứng thú tấn công vào nền tảng này.
- Thứ hai, đây là một nền tảng mở, tức là mã nguồn cho phép các nhà phát triển thiết bị, mạng di động và các lập trình viên được điều chỉnh hệ điều hành và phân phối Android một cách tự do. Vì thế, Android dễ dàng bị hacker xâm nhập.
Vì thế, nếu bạn đang sở hữu một chiến điện thoại chạy trên nền tảng Android, những cách bảo mật dưới đây là rất đáng để bạn tham khảo.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
1. Đặt mật khẩu
Cũng giống như khi sử dụng máy tính, việc đặt mật khẩu cho điện thoại là điều vô cùng cần thiết. Vì nếu có ai đó tọc mạch mà cầm điện thoại của bạn, người đó cũng đọc được các thông tin cá nhân của bạn.
Tùy từng hãng điện thoại mà giao diện người dùng sẽ khác nhau. Cách phổ biến nhất để đặt mật khẩu điện thoại đó là bạn vào phần Cài đặt (Setting) ⇒ Màn hình khóa và Mật khẩu (Lock screen and security) ⇒ chọn kiểu mật khẩu mà bạn muốn (vẽ hình, mã PIN, mật khẩu).
Ngoài ra, bạn cũng có thể search Google với cú pháp “Cách đặt mật khẩu cho điện thoại + Tên điện thoại của bạn”
2. Mã hóa dữ liệu
Mã hóa dữ liệu là việc chuyển đổi toàn bộ dữ liệu trên điện thoại thành dạng mã mà chỉ người đã mã hóa dữ liệu mới giải mã được. Mã hóa dữ liệu sẽ giúp tăng thêm một lớp bảo mật cho dữ liệu, bên cạnh việc đặt mật khẩu cho điện thoại (vì nếu ai đó vô tình biết được mật khẩu điện thoại của bạn, người đó cũng chưa chắc đọc được dữ liệu cá nhân của bạn).
Xem hướng dẫn mã hóa dữ liệu tại đây.
3. Hạn chế truy cập wifi “chùa”
Hiện nay, có rất nhiều địa điểm công cộng cung cấp wifi miễn phí cho người dùng như tiệm cà phê, quán ăn, bến xe, sân bay,… Khi bạn sử dụng các điểm wifi này, chẳng có gì đảm bảo rằng mạng wifi mà họ cung cấp cho bạn là an toàn cả. Và mọi thông tin bạn gửi qua mạng Internet không dây đều tiềm ẩn rủi ro. Vì thế, hãy sử dụng dịch vụ 3G/4G ở những nơi công cộng. Nói cho cùng, thì mức giá cước 3G/4G hiện nay không phải là quá mắc.
4. Cẩn thận khi cài đặt ứng dụng
Hiện nay, có 2 cách để cài đặt ứng dụng vào điện thoại Android của bạn: cài đặt từ file bên ngoài và cài đặt từ CH Play.
Cài đặt từ file bên ngoài
Có nghĩa là bạn sử dụng những file .apk được chia sẻ đâu đó trên mạng internet. Vì các file này thường do lập trình viên viết ra với một số tính năng như: crack giúp người dùng sử dụng miễn phí, mod (thay đổi một số thành phần của phần mềm),… vì thế lập trình viên có thể cài mã độc khiến ứng dụng cài đặt từ file bên ngoài kém tin cậy hẳn đi. Nếu bạn vẫn muốn cài đặt ứng dụng Android từ file bên ngoài, hãy chắc chắn nó được tải từ nguồn đáng tin cậy nhé.
Cài đặt từ CH Play
Có nghĩa là bạn truy cập vào ứng dụng CH Play trên điện thoại của bạn và tải ứng dụng bạn từ đó. Mặc dù an toàn hơn nhiều so với cách thứ nhất, không phải ứng dụng nào trên CH Play cũng tuyệt đối an toàn vì có nhiều ứng dụng đòi hỏi quyền truy cập khá sâu vào thông tin cá nhân của bạn (đọc danh bạ điện thoại, gửi tin nhắn để trả phí cho dịch vụ,…). Vì thế, trước khi nhấn đồng ý để cài đặt ứng dụng vào điện thoại, hãy xem kỹ ứng dụng đó yêu cầu các quyền truy cập gì.
Xem hướng dẫn Kiểm soát các quyền của ứng dụng trên Android 6.0 trở lên
5. Dấu hiệu cho thấy điện thoại bị dính virus
Để kiểm tra xem điện thoại bạn có bị dính virus hay không? Hãy xem 5 dấu hiệu sau đây nhé:
Thời lượng pin sụt giảm bất thường.
Một ngày đẹp trời, bạn nhận thấy thời lượng pin của mình bị sụt giảm bất thường, dù rằng cường độ sử dụng của bạn vẫn như mọi khi, thậm chí là khi bạn vừa mới thay pin điện thoại. Lí do là virus hay mã độc hoạt động như một tiến trình nền, chạy ngầm liên tục làm tiêu hao thời lượng pin của bạn.
Điện thoại thường xuyên bị treo, đơ, lag.
Khi bạn sử dụng điện thoại chỉ để chơi những game nhẹ, lướt web hoặc lướt Facebook nhưng điện thoại của bạn lại bị treo, chỉ có cách khởi động lại mới sử dụng được. Nếu lâu lâu bị một lần thì không sao nhưng nếu tần suất điện thoại rơi vào tình trạng này ngày càng nhiều thì chúng ta cần phải xem lại vì rất có khả năng điện thoại của bạn đã dính virus. Lí do là vì các tiến trình ngầm của virus đã làm xáo trộn hoạt động bình thường của điện thoại.
Bạn không thể cập nhật phần mềm cho thiết bị.
Bạn sẽ thường xuyên được hưởng lợi từ những bản cập nhật phần mềm mới nhất từ nhà sản xuất. Nhưng nếu một ngày, việc cập nhật phần mềm của bạn bị báo lỗi và không thể cập nhật được dù nhận được thông báo là có phiên bản mới thì đó cũng là dấu hiệu điện thoại đã dính virus. Lí do là các nhà sản xuất sẽ tích hợp tính năng kiểm tra sự toàn vẹn của phần mềm điện thoại để quyết định có cập nhật thiết bị lên hay không, nếu phát hiện phần mềm không còn toàn vẹn do virus chèn thêm những tác vụ bất thường thì bạn sẽ không thể cập nhật lên phần mềm mới hơn.
Điện thoại bạn bị trừ tiền bất thường.
Nếu bạn chỉ sử dụng điện thoại cho những mục đích rất cơ bản như nghe, gọi, nhắn tin, lướt web nhưng lại nhận được thông báo về những khoản chi không rõ nguồn gốc thông qua tin nhắn sms mặc dù bạn nhớ rằng mình chưa từng thực hiện những giao dịch như vậy. Nếu như vậy nhiều khả năng là điện thoại bạn đã bị nhiễm virus, và virus tự động gửi tin nhắn đến những tổng đài định trước để trừ tiền của bạn. Hoặc đơn giản hơn, bạn đang sử dụng một gói cước di động có tính phí vượt cước lưu lượng từ trước, nhưng trong thời gian gần đây thiết bị lại tiêu tốn quá nhiều dung lượng 3G, 4G mặc dù mức độ sử dụng 3G, 4G của bạn vẫn thế. Nhiều khả năng thiết bị của bạn đã bị nhiễm virus, và nó đang chạy rất nhiều tác vụ ngầm để liên tục kết nối với Internet, ví dụ như sử dụng điện thoại của bạn như một thành phần trong mạng lưới Botnet. Những mã độc này sẽ dùng sạch lưu lượng 3G, 4G tốc độ cao của bạn và ảnh hưởng đến tài khoản điện thoại của bạn.
Xuất hiện những ứng dụng lạ trong điện thoại.
Các mã độc thường được ngụy trang dưới vỏ bọc những ứng dụng trông không khác gì những ứng dụng thông thường. Ví dụ bạn vừa tải về một ứng dụng mới, nhưng khi xem lại thì kích thước ứng dụng này là quá nhẹ so với bình thường, mở giao diện lên thì ứng dụng lại yêu cầu bạn cài đặt thêm những ứng dụng khác thì lúc đó bạn lên dừng ngay thao tác lại và xóa hoàn toàn ứng dụng kia ra khỏi thiết bị trước khi quá muộn.
Nếu bạn nghi ngờ điện thoại của mình bị nhiễm virus, thì hãy tham khảo bước tiếp theo nhé.
6. Phần mềm bảo mật cho Android
Nhiều người nghĩ rằng dùng điện thoại thì chẳng cần phải bảo mật vì hacker sẽ cài virus vào máy tính của bạn chứ chẳng hơi đâu mà cài vào điện thoại của bạn. Đây thật sự là một quan niệm sai lầm vì tội phạm tấn công qua thiết bị di động ngày càng nhiều. Chưa kể nhiều người có thói quen sử dụng dịch vụ Internet Banking trên chính thiết bị di động của mình, một thiết bị mà chưa hẳn được đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Các bạn có thể tham khảo phần mềm F-secure để bảo đảm an toàn cho điện thoại của mình.
Hy vọng bài hướng dẫn này sẽ cung cấp những lời khuyên hữu ích để giúp bạn bảo mật điện thoại android của mình tốt hơn.
Chúc bạn thành công.